Thiết bị nội soi kiểm soát chảy máu đường tiêu hóa

Theo BS. Binita Ashar, Giám đốc bộ phận Thiết bị phòng mổ của FDA: “Thiết bị này cho chúng ta một lựa chọn khác, không cần phẫu thuật, để kiểm soát chảy máu đường tiêu hóa trên và dưới ở một số bệnh nhân và có thể làm giảm nguy cơ tử vong do chảy máu đường tiêu hóa ở rất nhiều bệnh nhân.”

Hemospray là một bình phun khí dung đưa hỗn hợp khoáng chất vào khu vực chảy máu. Thiết bị này được sử dụng trong quá trình nội soi và có thể bao phủ những khu vực rộng, như vết loét rộng hoặc khối u. Không được sử dụng thiết bị này ở bệnh nhân chảy máu do giãn tĩnh mạch (như trong bệnh gan do dùng rượu), các bệnh nhân có lỗ rò đường tiêu hóa hoặc có nguy cơ cao bị thủng đường tiêu hóa.

FDA xem xét dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân chảy máu đường tiêu hóa trên và dưới và dữ liệu thực tế từ báo cáo y học trên những bệnh nhân khác, cho thấy Hemospray làm ngừng chảy máu đường tiêu hóa ở 95% bệnh nhân trong vòng 5 phút đầu tiên sau khi dùng.

Hà Phương

((Theo FDA 5/2018))

Suy tim: Chẩn đoán và điều trị

Nguyên nhân suy tim giảm tống máu có thể bao gồm bệnh lý tại cơ tim như bệnh tim thiếu máu cục bộ, nhiễm độc cơ tim, tổn thương qua viêm hay miễn dịch; bệnh lý do tăng tải như tăng huyết áp, bệnh van tim, khiếm khuyết cấu trúc cơ tim, bệnh màng ngoài tim; các loạn nhịp nhanh và loạn nhịp chậm.

Tại các nước phát triển, tần suất suy tim khoảng 1 - 2% ở người lớn, gia tăng theo tuổi, đến ≥ 10% ở người trên 70 tuổi. Nguy cơ suốt đời về suy tim ở người > 55 tuổi là 33% ở nam và 28% ở nữ. Suy tim là vấn đề lớn của nhân loại về bệnh tật và tử vong, tuổi thọ càng cao càng gia tăng suy tim.

Chẩn đoán

Chẩn đoán suy tim mạn khởi đầu dựa vào bệnh sử lâm sàng, khám thực thể và ECG (điện tâm đồ). Triệu chứng cơ năng của suy tim bao gồm:

Khó thở gắng sức.

Khó thở phải ngồi.

Cơn khó thở kịch phát về đêm.

Mệt, yếu sức, hồi phục chậm sau gắng sức.

Các phương tiện cận lâm sàng khác giúp chẩn đoán xác định và chẩn đoán nguyên nhân, tiên lượng và theo dõi điều trị suy tim bao gồm: điện tâm đồ, X-quang ngực, siêu âm tim qua thành bụng, ảnh cộng hưởng từ, chụp động mạch vành qua thông tim.

Hiện nay chẩn đoán suy tim có phần dễ hơn nhờ áp dụng phổ biến siêu âm tim và đo chất chỉ điểm sinh học. Ảnh cộng hưởng từ hiệu quả trong phát hiện nguyên nhân suy tim như viêm cơ tim, bệnh tim bẩm sinh và cả bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Suy timĐiện tâm đồ chẩn đoán suy tim mạn

Tiến bộ trong điều trị suy tim

Mục đích của điều trị suy tim là giảm tử vong, giảm nhập viện và tăng chất lượng sống của người bệnh. Nhiều biện pháp giúp phòng ngừa hoặc làm chậm tiến triển của suy tim hoặc phòng đột tử, từ trước khi bệnh nhân có triệu chứng cơ năng (giai đoạn A và B của suy tim).

Mục đích của điều trị suy tim là giảm tử vong, giảm nhập viện và tăng chất lượng sống của người bệnh

Chỉ định loại I, ở giai đoạn A và B của suy tim là: điều trị tăng huyết áp, điều trị bằng statins bệnh nhân đang có hoặc có nguy cơ cao bệnh động mạch vành, sử dụng ức chế men chuyển bệnh nhân rối loạn chức năng thất trái có hay không có triệu chứng cơ năng, sử dụng chẹn beta bệnh nhân rối loạn chức năng thất trái không triệu chứng cơ năng sau nhồi máu cơ tim. Máy phá rung cấy được (ICD: implantable cardioverter defibrillatior) cần được thực hiện trên bệnh nhân bị suy tim giảm phân suất tống máu (PSTM < 30%) dù không triệu chứng cơ năng, do nguyên nhân thiếu máu cục bộ, ít nhất 40 ngày sau nhồi máu cơ tim cấp hoặc bệnh cơ tim giãn nở không thiếu máu cục bộ không triệu chứng cơ năng kèm theo PSTM ≤ 30% đã được điều trị nội tối ưu…

Các biện pháp điều trị khác như phẫu thuật van tim, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, tái lưu thông động mạch vành qua thông tim đều được chứng minh giảm tật bệnh và tử vong.

Chiến lược điều trị để đạt tối ưu:

- Bệnh nhân (người cao tuổi, bệnh thận mạn) cần thăm khám thường xuyên và xét nghiệm khi chỉnh liều thuốc.

- Theo dõi dấu hiệu sinh tồn trước và trong khi chỉnh liều, huyết áp tư thế đứng, tần số tim.

- Chỉnh liều từng loại thuốc.

Theo dõi chức năng thận và điện giải (creatinine, ion đồ).

- Trấn an bệnh nhân nếu tăng liều có cảm giác mệt và yếu tăng, tuy nhiên dấu sinh tồn ổn.

- Khuyên bệnh nhân không tự ý ngưng thuốc đột ngột hoặc ngưng thuốc theo ý kiến chuyên gia khác.

Kiểm tra cẩn thận liều lượng thuốc giảm triệu chứng suy tim (thí dụ như lợi tiểu, nitrates) khi tăng liều thuốc.

Cân nhắc giảm liều hay ngưng một loại thuốc khi có biến cố cấp ngoài tim (như: nhiễm trùng phổi, thiếu nước…).

Hướng dẫn bệnh nhân, gia đình, các bệnh nhân khác về lợi điểm của điều trị theo khuyến cáo.

PGS.TS. PHẠM NGUYỄN VINH

Chuyên gia chỉ rõ 13 yếu tố gây kích phát cơn hen

Tại Hội nghị khoa học và lễ mít tinh hưởng ứng ngày hen toàn cầu 2018 (11/5) diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai cho biết, hen phế quản là một bệnh lý phổ biến. Hiện nay trên thế giới có khoảng 300 triệu người mắc hen, mỗi năm, toàn thế giới phải chi hàng chục tỷ đô la Mỹ cho các vấn đề liên quan đến Hen phế quản.

 

PGS.TS Nguyễn Quốc Anh phát biểu tại hội nghị

Chủ đề của ngày hen toàn cầu năm 2018 là “Không quá sớm nhưng đừng để quá muộn”. Kiểm soát hen là mục tiêu vàng của điều trị, từ đó có thể giúp hầu hết bệnh nhân hen phế quản phù hợp.

Ở Việt Nam, tỷ lệ hen phế quản là 3,9% dân số -như vậy, số lượng bệnh nhân hen phế quản ở Việt Nam ước tính gần 4 triệu người

Trong các bệnh nhân hen, các chuyên gia tìm thấy 13 yếu tố gây kích phát cơn hen ở bệnh nhân, gồm: Gắng sức, thay đổi thời tiết, viêm đường hô hấp, Khói (khói thuốc lá, khói than), nhiễm lạnh, hóa chất, bụi nhà, bụi công nghiệp, tiếp xúc vật nuôi, cảm xúc, thuốc, thức ăn, liên quan thai nghén.

Trong đó các yếu tố gây tác động cơn hen nhiều nhất là thay đổi thời tiết (85,2%), gắng sức (gần 70%), nhiễm lạnh (53,2%), viêm đường hô hấp…

Bệnh nhân hen cũng thường mắc các bệnh dị ứng kèm theo như viêm mũi dị ứng, mề đay, dị ứng thức ăn, viêm kết mạc dị ứng, viêm da cơ địa…

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, bệnh hen gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh, gia đình và xã hội. Tỉ lệ tử vong do bệnh hen còn cao mặc dù đã có thuốc điều trị, kiểm soát hiệu quả.

Chi phí cho việc chăm sóc bệnh hen rất tốn kém, đặc biệt là chi phí nằm viện, cấp cứu, mất việc làm, nghỉ học do cơn hen cấp. Trong khi đó, người bệnh, thậm chí cả nhân viên y tế chưa hiểu được hết giá trị của việc dự phòng hen phế quản dù đây là bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được, bệnh nhân sẽ có cơ hội sống bình thường nếu được kiểm soát tốt.

 

Khám và tư vấn về bệnh hen cho người bệnh

 

Ths.BS Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm dị ứng – Miễn dịch lâm sàng (BV Bạch Mai) cho biết, với những báo cáo được trình bày tại Hội nghị khoa học sẽ cung cấp cho bác sĩ những kiến thức mới nhất, cập nhật nhất về điều trị, dự phòng hen phế quản cho bệnh nhân, các đối tượng bệnh nhân nhỏ tuổi, phụ nữ mang thai… để góp phần nâng cao việc dự phòng, điều trị kiểm soát bệnh hiệu quả cho bệnh nhân hen phế quản. Bởi cơn hen phế quản bùng phát khi không được kiểm soát hiệu quả có thể đẩy người bệnh vào nguy hiểm, tử vong nhanh chóng.

 

Hưởng ứng ngày Hen Phế Quản toàn cầu năm 2018, từ 7h30 sáng ngày 12/05/2018, tại hội trường lớn, tầng 2, nhà Nhật, Bệnh viện Bạch Mai, Số 78 Giải Phóng – Đống Đa – Hà Nội, Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai tổ chức khám và tư vấn miễn phí bệnh Hen phế quản cho người dân khu vực Hà Nội và một số tỉnh lân cận.Người dân tới khám sẽ được các bác sỹ của Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai khám nội khoa, đo lưu lượng đỉnh kế, đo chức năng hô hấp, phát thuốc miễn phí cho các đối tượng được chẩn đoán mắc mới và đưa vào chương trình quản lý ngoại trú hen phế quảnĐến khám là những người có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau:+ Khó thở+ Thở khò khè, cò cử+ Ho+ Nặng ngực+ Khó thở về đêm+ Khó thở khi thay đổi thời tiết.+ Bản thân và gia đình đã từng mắc các bệnh liên quan đến cơ địa dị ứng (Chàm, Mày đay, Hen phế quản, Dị ứng thuốc, Dị ứng thức ăn…)

 

Thái Bình

Phát hiện và chữa trị kịp thời nhược thị ở trẻ em

Nghỉ hè là lúc trẻ có nhiều thời gian vui chơi, không phải học bài. Đúng ra thời gian này, mắt được nghỉ ngơi nhiều nhất. Nhưng thực tế, khi không phải học bài, trẻ lại tiếp xúc nhiều với máy tính, điện thoại, xem tivi trong nhiều giờ... là nguyên nhân gây bệnh nhược thị ở trẻ em.

Bệnh nhược thị là hiện tượng suy giảm khả năng hoạt động và sự kém phát triển về chức năng của cơ quan thị giác. Nhược thị hầu như chỉ xảy ra ở một mắt nhưng đôi khi nó có thể làm giảm thị lực ở cả hai mắt, dẫn đến thị lực bị giảm sút mà không thể điều trị bằng cách chỉnh độ kính. Thị lực chỉ đạt dưới 7/10 và không thể đạt được 10/10 sau khi đã chỉnh kính tối ưu.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị nhược thị

Biểu hiện duy nhất của nhược thị là nhìn mờ, được biểu hiện khi: Trẻ tự phát hiện nhìn mờ; trẻ xem tivi, đọc sách, viết ở khoảng cách gần; nheo mắt, dụi mắt khi xem tivi; viết bị sai hàng; nghiêng đầu khi nhìn; khó khăn khi nhìn bảng, kêu ca là bị mỏi mắt...

Nhược thị có thể đưa đến nhiều tác hại đối với trẻ, làm ảnh hưởng đến học tập (đọc viết chậm, học mau mệt, tiếp thu chậm, viết bài sai, hay nhức mắt...); ảnh hưởng đến sinh hoạt (hay bị va chạm, làm vỡ, đổ vật dụng, dễ bị té ngã, khó hòa nhập, không tự tin...) và gây ảnh hưởng lâu dài làm cho mắt, thị lực bị giảm sút, thậm chí mù lòa nếu không được điều trị.

Khám phát hiện các bệnh về mắt cho trẻ.

Khám phát hiện các bệnh về mắt cho trẻ.

Thủ phạm nào gây nhược thị?

Mắt lác (mắt lé): Là tình trạng mắt không di chuyển vào cùng một hướng khi nhìn vào một vật. Tình trạng này là do não không bắt kịp hình ảnh mờ của mắt, dần dẫn đến thị giác gần như bị mất.

Loạn thị: Loạn thị có thể đi kèm với cận thị và viễn thị. Tật viễn thị hay cận thị đều có thể dẫn đến sự lệch tâm của mắt. Khi trẻ bị tật cận thị và viễn thị, não bộ sẽ bỏ qua những hình ảnh bị mờ dẫn đến nhược thị.

Sụp mí: Các vấn đề về biến dạng như giải phẫu và dị dạng cấu trúc mắt có thể dẫn đến nhược thị. Nếu một trong hai mắt bị sụp mí, điều này làm cho thị giác bị chắn gây nhược thị.

Đục thủy tinh thể: Sự hình thành đục thủy tinh thể có thể gây ra tình trạng không nhìn thấy. Não từ chối hiểu những hình ảnh bị mờ và không rõ nét do bị thủy tinh thể dẫn đến tình trạng mắt nhược thị.

Bất đồng khúc xạ: Khúc xạ của 2 mắt trẻ không đều dẫn đến giảm sức nhìn ở trẻ.

Di truyền: Tiền sử gia đình và gene đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nhược thị ở trẻ. Nếu trẻ có người thân trong gia đình mắc chứng nhược thị thì trẻ cũng có nguy cơ phát triển bệnh này.

Phương pháp điều trị nhược thị cho trẻ em

Những bài tập dành cho mắt bị nhược thị:

Che mắt: Dùng lòng bàn tay che một bên mắt nhìn rõ hơn và cố gắng tập trung nhìn mọi thứ xung quanh và diễn tả chúng. Thực hiện bài tập này mỗi ngày duy trì trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Thị lực bên mắt bị nhược thị sẽ được cải thiện đáng kể.

Tập trung: Dùng lòng bàn tay che một bên mắt nhìn rõ hơn, sử dụng ngón tay trỏ của bàn tay còn lại đưa ra trước mắt rồi từ từ di chuyển ngón tay ra xa. Tập trung vào sự di chuyển từ gần đến xa của ngón tay trong một thời gian. Sau đó, nghỉ ngơi 5 phút và làm lại lần nữa. Lặp lại bài tập 3 lần một ngày để cải thiện tình trạng mắt nhược thị.

Liệu pháp thị lực: Là một trong những liệu pháp vật lý tăng hiệu quả của mắt cũng như não bộ. Đây là một phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân không sẵn sàng thực hiện phẫu thuật. Những vấn đề thị giác như nhược thị, lác mắt, cận thị và các vấn đề về cơ mắt yếu đều có thể điều trị.

Thời gian điều trị phụ thuộc vào tuổi của trẻ, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có quá trình điều trị hiệu quả cho con. Các yếu tố quyết định thành công của quá trình điều trị là xác định chính xác nguyên nhân, mức độ bệnh, tuổi của trẻ, sự phối hợp giữa gia đình và bệnh viện. Thời gian luyện tập thường là vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên có trường hợp phải tập luyện rất lâu dài, thậm chí hằng năm, nhất là khi phát hiện muộn ở lứa tuổi 10 - 12. Sau khi đã điều trị bệnh ổn định, tùy từng trường hợp vẫn phải được điều trị duy trì hoặc có quá trình theo dõi lâu dài để tránh tái phát.

Trong quá trình điều trị cho trẻ, ngoài việc khuyến khích và nhắc cần chú ý nhắc nhở trẻ điều chỉnh thói quen sinh hoạt. Đặc biệt lưu ý thời gian trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ như tivi, điện thoại, máy tính,... Bởi ánh sáng đèn LED từ các thiết bị này là tác nhân gây ra và làm các căn bệnh về mắt có chiều hướng trầm trọng hơn.

Với đặc tính của bệnh, cách điều trị hiệu quả nhất chính là phát hiện bệnh sớm, nhất là giai đoạn trẻ dưới 8 tuổi. Để được xác định đúng bệnh, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám mắt thường xuyên 2lần/năm để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh ở mắt và điều trị kịp thời.

BS. Hà Trang

Sơ cứu nạn nhân có vết thương chảy máu

Chảy máu ngoài

Các nguyên tắc chung:

Ép trực tiếp lên vết thương đang chảy máu:

Nhanh chóng ép trực tiếp lên vết thương. Nếu có điều kiện thì đặt lên vết thương một miếng gạc hoặc miếng vải sạch trước khi ép trực tiếp.

Nếu vết thương chảy máu nhiều, đừng lãng phí thời gian tìm kiếm băng gạc, hãy dùng chính bàn tay của bệnh nhân hay bàn tay của bạn để ép vết thương lại (nếu nạn nhân không thể tự làm việc này).

Nâng cao vùng bị tổn thương:

- Ðặt nạn nhân nằm ở tư thế thoải mái thuận tiện, nâng cao vùng bị tổn thương để giảm áp lực máu tới vùng này.

- Dùng băng cuộn hoặc dây vải băng ép miếng gạc hoặc miếng vải vào vết thương. Không băng quá chặt như hình thức ga rô.

Sơ cứu nạn nhân có vết thương chảy máu

Vết thương đâm xuyên còn dị vật:

Nếu các vết thương chảy máu có dị vật như mảnh gỗ, kim loại hoặc bất kỳ vật gì đâm vào và vẫn cắm ở vết thương thì không được rút dị vật ra.

Bịt kín vết thương bằng cách ép mép vết thương sát với dị vật.

Dùng miếng vải vuông hoặc một khăn tam giác quấn lại thành vòng đệm xung quanh dị vật, sau đó dùng băng ép lại như với vết thương không có dị vật, chú ý không gây áp lực trực tiếp lên dị vật.

Để bệnh nhân nghỉ ngơi tuyệt đối:

Kể cả khi bị thương ở tay hay nửa trên của người, bệnh nhân cũng cần được nghỉ ngơi trong tư thế thuận tiện ít nhất 10 phút để giúp cầm máu.

Giữ yên tĩnh cho nạn nhân, động viên an ủi nếu nạn nhân tỉnh táo.

Chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế nếu thấy cần thiết:

Nếu vết thương nhỏ và nạn nhân có thể di chuyển bằng ô tô xe máy thông thường thì chuyển ngay nạn nhân tới cơ sở y tế gần đó.

Nếu vết thương nặng hay tình trạng nạn nhân xấu thì gọi cấp cứu càng sớm càng tốt.

Trong khi chờ đợi hoặc trên đường vận chuyển phải theo dõi sát tình trạng hô hấp, tuần hoàn của nạn nhân. Giữ ấm cho nạn nhân.

Cố gắng tránh tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các loại dịch khác từ cơ thể nạn nhân. Sử dụng găng tay dùng một lần nếu có thể. Nếu không có găng thì dùng túi nilon thông thường để thay thế.

Nếu máu thấm qua gạc và băng:

Nếu máu thấm qua gạc và băng thì dùng lớp băng thứ hai quấn chặt lên lớp băng cũ.

Với các vết thương chảy máu quá mạnh không thể kiểm soát, cần nhanh chóng thay lớp gạc và băng thứ nhất đã sũng máu bằng lớp gạc và băng mới. Máu không cầm được có thể là do tấm gạc thứ nhất dùng để chèn vết thương đã bị trượt khỏi vị trí ban đầu.

Chảy máu trong

Chảy máu trong xuất hiện khi các mạch máu bên trong cơ thể bị vỡ và máu thoát ra khỏi hệ tuần hoàn. Hiện tượng này có thể xảy ra khi nạn nhân bị đập mạnh vào đầu, ngực hay bụng do ngã hoặc bị xe đâm. Người không có chuyên môn thường khó nhận biết các dấu hiệu của chảy máu trong.

Cần nghi ngờ chảy máu trong khi xuất hiện máu trong dịch nôn, đờm, nước tiểu hoặc phân. Nạn nhân có thể thở nhanh, thở hổn hển, khát nước ngày càng tăng, ho ra máu đỏ tươi lẫn bọt, nôn ra máu đen như màu bã cà phê, nước tiểu đỏ tươi hay có màu gỉ sắt (nâu đỏ nhạt), phân đen như nhựa đường. Bệnh nhân nhợt nhạt, thấy lạnh, da ẩm ướt.

Xử trí:

- Ðặt nạn nhân nằm nghỉ ở tư thế thoải mái dễ chịu nhất.

– Đắp chăn giữ ấm cho nạn nhân.

- Trải tấm lót cho nạn nhân nằm lên trên nếu mặt đường gồ ghề hoặc nóng quá hay lạnh quá.

- Gọi cấp cứu 115.

Trong khi chờ đợi:

- Xử lý các vết thương khác.

- Nới rộng quần áo, nhất là ở vùng cổ và thắt lưng.

- Trấn an người bệnh.

- Không cho bệnh nhân ăn, uống hoặc hút thuốc lá.

BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ

Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên văn phòng

Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên văn phòng

 

Thói quen

Ngồi nhiều: Ngồi trong thời gian dài tại nơi làm việc mà không di chuyển nhiều? Các nhà nghiên cứu cho rằng lối sống như vậy có thể dần dần làm mỏng cấu trúc não. Một nghiên cứu của Anh năm 2017 cho thấy các công việc văn phòng có mối liên quan chặt chẽ với nguy cơ béo phì và bệnh tim. TS. William Tigbe của Trường Y khoa Warwick, Anh cho biết, thời gian dài hơn trong tư thế ít vận động có liên quan đáng kể với chu vi vòng eo lớn hơn, chất béo trung tính cao hơn và cholesterol HDL (cholesterol tốt) thấp hơn.

Nhìn chằm chằm vào máy tính: Thời gian dài nhìn chằm chằm vào máy tính có thể dẫn đến mỏi mắt. Do đó, tại nơi làm việc nên thực hiện các bước để ngăn cản sự kết hợp nguy hiểm của hoạt động thể chất bị giảm và chế độ ăn uống không lành mạnh.

Cần làm gì? Đi cầu thang bộ thay vì thang máy, rời khỏi ghế bất cứ khi nào có thể, đảm bảo bữa ăn trưa lành mạnh và thực hiện các bài tập tại bàn làm việc là một số biện pháp cá nhân mà nhân viên có thể cân nhắc để giảm thiểu nguy cơ.

 

Đồng nghiệp

Những người bạn làm việc cùng đóng một vai trò quan trọng trong chất lượng cuộc sống, đặc biệt liên quan đến sức khỏe tâm thần và mức năng suất. Nói chung, rất nhiều người dành nhiều thời gian xung quanh đồng nghiệp của họ hơn gia đình hoặc bạn bè của họ.

 

 

Sau khi kiểm tra gần 700 công nhân Mỹ, một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng nếu tiếp xúc với đồng nghiệp thô lỗ có thể gây ra các triệu chứng bất lợi cho sức khỏe như mất ngủ, mệt mỏi và sức khỏe tâm thần kém. Trong một cuộc khảo sát tại Mỹ công bố vào năm 2017, cứ 1/5 công nhân Mỹ được báo cáo là đang tiếp xúc với môi trường xã hội thù địch hoặc bị đe dọa tại nơi làm việc và hậu quả là nhân viên có thể cảm thấy khó tập trung vì họ không thể yên tâm.

TS. Nicole Maestas, phó giáo sư về chính sách chăm sóc sức khỏe tại Trường Y Harvard nhấn mạnh rằng, cần có những quy tắc ứng xử và can thiệp cần thiết để tránh những tổn thất về sức khỏe cho nhân viên.

Không gian làm việc

Trong những năm gần đây, người ta cho rằng các văn phòng có không gian mở có thể có hại nhiều hơn lợi ích bởi đa số nhân viên văn phòng rất khó tập trung và thiếu sự riêng tư.

 

Không gian làm việc

 

Giáo sư Ann Richardson, một giáo sư tại Đại học Canterbury ở New Zealand nói thêm rằng, họ có thể còn bị tăng nguy cơ bệnh tật, kích thích nhận thức cảm xúc, giảm khả năng hoàn thành cũng như sự hài lòng với công việc. Do đó, không gian văn phòng nên được thiết kế để cho phép có mức độ ánh sáng mặt trời và không khí trong lành nhất định vì chất lượng không khí trong nhà kém có thể dẫn đến ho, kích ứng, đau đầu, buồn ngủ…  Ngoài ra, vi khuẩn còn có thể được tìm thấy ở những nơi như nắm cửa, máy pha cà phê, máy in và thang máy nên cần được vệ sinh sạch sẽ để giảm thiểu tối đa nguy cơ gây bệnh. Theo các nghiên cứu khác, máy sấy tay có thể làm lây lan vi khuẩn vào người dùng và bàn phím máy tính có thể chứa nhiều vi khuẩn hơn nhà vệ sinh.

Lê Thu Lương

(theo Medical Daily)

Phát minh tình cờ làm thay đổi cuộc sống

Máy tạo nhịp tim

Năm 1956, nhà khoa học người Mỹ Wilson Greatbatch (1919-2011) bắt tay vào nghiên cứu phát triển thiết bị để theo dõi nhịp tim. Trong lúc ông đang thao tác, ông đã lắp một bóng bán dẫn vào thiết bị có công suất cao gấp 100 lần bóng bán dẫn thông thường. Lỗi thao tác này khiến Greatbatch tạo ra các xung điện giống hệt nhịp đập của tim. Tình cờ, Greatbatch đã tạo ra một thiết bị theo dõi nhịp tim lắp bên trong cơ thể, một công cụ mà thời điểm cuối năm 50 ở thế kỷ trước còn rất xa lạ. Người ta mới chỉ phát minh ra máy tạo nhịp tim cồng kềnh dùng cố định mà thôi.

Thay vì những chiếc máy điều hòa nhịp tim đầu tiên (Pacemakers) trông giống như một chiếc tivi, sử dụng năng lượng pin không đủ nên phải cắm vào ổ điện cố định (bệnh nhân dùng máy tạo nhịp tim thời đó giống như một người chạy thận nhân tạo, không thể rời khỏi máy mà cũng không thể mang nó đi theo), giờ đây nhờ máy tạo nhịp tim lắp trong người đã cho phép hàng triệu người bệnh có thể sinh hoạt được bình thường.

Năm 1970, Greatbatch bắt đầu thành lập công ty riêng có tên Greatbatch Inc. và phát triển pin lithium, có tuổi thọ dài mười năm, được sử dụng trong hơn 90% máy điều hòa nhịp tim được thương phẩm trên quy mô toàn thế giới. Ngày nay, hơn ba triệu người được hưởng lợi từ những phát minh của Greatbatch và hơn 600.000 máy tạo nhịp tim của ông được cấy mỗi năm.

Nhà khoa học Wilson Greatbatch và máy tạo nhịp tim do ông phát minh.

Nhà khoa học Wilson Greatbatch và máy tạo nhịp tim do ông phát minh.Nhà khoa học Wilson Greatbatch và máy tạo nhịp tim do ông phát minh.

Nhà khoa học Wilson Greatbatch và máy tạo nhịp tim do ông phát minh.

Chất làm ngọt nhân tạo saccharin

Saccharin là chất làm ngọt nhân tạo đầu tiên được con người tạo ra để thay thế đường mía, đặc biệt hơn, nó được ra đời hoàn toàn ngẫu nhiên. Vào cuối năm 1878, đầu năm 1879, GS. Ira Remsen đang điều hành một phòng thí nghiệm nhỏ tại Đại học John Hopkins ở Baltimore, Maryland (Mỹ) thì có Công ty nhập khẩu H.W. Perot (HWP) đến đề nghị hợp tác làm một số việc liên quan đến đường. HWP muốn Constantin Fahlberg, một chuyên gia về đồ ngọt, sử dụng phòng thí nghiệm của Remsen để kiểm tra độ tinh khiết của một số lô hàng mà họ sắp nhập khẩu.

Sau khi hoàn thành các xét nghiệm, Fahlberg ở lại làm việc cho GS. Ira Remsen. Một ngày nọ, trong khi ăn tối, Fahlberg phát hiện thấy ổ bánh mì của ông có một vị ngọt bất thường và quyết định tìm hiểu nguyên nhân. Sau khi suy luận, vị ngọt của bánh mì không phải do người làm bánh tạo nên. Ngay lập tức, Fahlberg đem chiếc bánh ăn dở ra phân tích và phát hiện thấy hóa chất trên tay ông khi làm việc tại phòng thí nghiệm chính là nguyên nhân gây ngọt, hóa chất đó đã đi vào ổ bánh mì mà Fahlberg đang ăn. Vì không có phản ứng bất lợi với hóa chất chưa biết này, nên Fahlberg quyết định nghiên cứu tiếp để tìm ra sự thật.

Fahlberg không thể nhớ chính xác hợp chất mà ông đã mang nó trên tay khi ở phòng thí nghiệm về, vì vậy ông đã quyết định nếm thử mọi hóa chất mà ông đã tiếp xúc trong ngày hôm đó tại phòng thí nghiệm và cuối cùng ông đã tìm thấy, trong khi làm thí nghiệm ông đã đổ đầy một cốc phospho clorua, amoniac và axit sulfobenzoic, tạo ra sulfatide benzoic (benzoic sulfimide), hợp chất mà ông biết nhưng chưa bao giờ được dùng làm thực phẩm cả. Nhờ phản ứng nói trên, Fahlberg đã khám phá ra saccharin, nó từng được dùng phổ biến trong Thế chiến I do nạn khan hiếm đường.

Trái với những gì đồn thổi, saccharin rất an toàn khi tiêu thụ bởi qua các nghiên cứu khoa học người ta chứng minh được điều này. Saccharin còn được gọi với tên khác là đường không sinh năng lượng, độ ngọt của saccharin cao hơn đường saccharose 300 lần nhưng ở nồng độ cao saccharin có dư vị của kim loại. Saccharin được sử dụng để làm ngọt các sản phẩm như đồ uống giải khát, kẹo, bánh bích quy, thuốc chữa bệnh, kem đánh răng... Cũng như nhiều chất ngọt thay thế khác, saccharin không bị hấp thu bởi hệ tiêu hóa, không gây ảnh hưởng tới hàm lượng insulin trong máu, không tạo năng lượng. Vì vậy, saccharin được xếp vào nhóm chất ngọt không calo, còn được sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm…

Khắc Hùng

((Theo listverse.com))

Vi khuẩn đường ruột liên quan đến nguyên nhân gây đau tim

Xơ vữa động mạch là tình trạng mảng bám hình thành trong động mạch.

Các nhà nghiên cứu tin rằng phát hiện mới này có thể mở ra các lựa chọn điều trị mới cho bệnh nhân bị những mảng bám không giải thích được trong động mạch.

Để hiểu vai trò của vi khuẩn đường ruột trong sự hình thành xơ vữa động mạch, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra hàm lượng của các sản phẩm trao đổi chất của vi khuẩn đường ruột trong máu.

Họ đã nghiên cứu 316 người từ các nhóm khác nhau bao gồm những người bị xơ vữa động mạch không rõ nguyên nhân, những người không có các yếu tố nguy cơ thông thường nhưng vẫn có mức độ xơ vữa cao.

Họ thấy rằng bệnh nhân bị xơ vữa động mạch không rõ nguyên nhân có mức độ cao đáng kể các chất chuyển hóa độc hại được sản sinh bởi vi khuẩn đường ruột trong máu.

Các nhà nghiên cứu đã đánh giá sự hình thành mảng xơ vữa trong các động mạch thông qua siêu âm .

Nghiên cứu này được công bố trên tờ Atherosclerosis, chỉ ra rằng những khác biệt này không thể được giải thích bằng chế độ ăn hoặc chức năng thận, cho thấy sự khác biệt được tạo ra từ vi khuẩn đường ruột.

BS Thu Vân

(Theo Indianexpress)

Thử thách cá voi xanh: Trò chơi đoạt mạng nguy hiểm

Thử tưởng tượng, trong trò chơi này người chơi sẽ bị bẫy vào một thế giới mà không thể thoát ra được, một thế giới kéo dài trong 50 ngày và kết thúc khi người chơi kết liễu cuộc sống của mình. Nếu bạn đã từng nhận được lời mời tham gia “trò chơi” này, hãy tránh xa nó.

“Thử thách cá voi xanh” là gì?

Hiện tượng này được tin là xuất hiện từ năm 2013 do một sinh viên 21 tuổi ngành tâm lý học tên là Philipp Budeikin (người Nga) tạo ra. Người này khai rằng hắn tạo ra trò chơi này để làm thanh sạch xã hội bằng cách đẩy những người mà hắn cho là không có giá trị gì tìm đến cái chết. Philipp Budeikin sau đó đã bị đuổi học, bị bắt và kết án vì cố ý xúi giục người khác tự sát.

 

Người chơi tự vẽ hình Cá voi trên cách tay bằng daoNgười chơi tự vẽ hình Cá voi trên cách tay bằng dao.

 

Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng miêu tả luật chơi của thử thách, tuy nhiên những lời đồn đại về trò chơi đoạt mạng này chủ yếu được lan truyền thông qua các mạng xã hội như Facebook, Instagram, và Twitter. Trò chơi kéo dài trong 50 ngày và đưa ra cho “người chơi” những nhiệm vụ phải thực hiện hằng ngày. Ý nghĩa đằng sau trò chơi này tương tự như hành động của loài cá voi xanh khi chúng tự gây ra tình trạng mắc cạn theo ý nguyện của chúng. Đây là một trong những điều bí ẩn lớn nhất của đại dương, vì người ta không hiểu tại sao một số cá voi xanh lại tự mình gây mắc cạn để tự kết liễu mình.

Trò chơi bắt đầu giữa người chủ trì và người tham gia/nạn nhân. Mỗi ngày, người chủ trì sẽ đặt ra một nhiệm vụ khác nhau để người tham gia thưc hiện. Những nhiệm vụ hằng ngày bắt đầu tương đối dễ dàng, ví dụ như nghe một số thể loại nhạc nào đó hay xem những phim kinh dị. Theo thời gian trôi qua, các nhiệm vụ sẽ có độ khó tăng lên, như thức trắng đêm hay rạch trên da cánh tay để tạo một biểu tượng “cá voi”. Nhiệm vụ cuối cùng và để kết thúc trò chơi là người chơi sẽ tự kết liễu đời mình.

Tại sao người chơi lại  làm theo những điều này?

Vâng, nếu người chơi từ chối hoàn thành nhiệm vụ của họ, người chủ trì sẽ đưa ra, công bố, chia sẻ, và/hoặc đăng tải một số thông tin nào đó rất cá nhân hay có tính nhạy cảm cao của người chơi lên mạng từ tài khoản của họ (hoặc ít nhất là khiến người chơi tin như vậy). Loại hình troll hay bắt nạt online có khả năng gây đoạt mạng này gây ra mối quan ngại rất lớn xét về khía cạnh xã hội và pháp lý. Với sự phát triển và mở rộng của internet, các phương pháp mà con người sử dụng để đưa họ lên mạng tiếp tục được mở rộng. Điều này có nghĩa là hoạt động phạm tội sẽ trở nên phức tạp hơn, tinh vi hơn và có suy xét nhiều hơn.

 

Trò chơi cá voi xanh lan truyền trên mạngTrò chơi lan truyền trên mạng.

 

Nạn nhân được lựa chọn như thế nào?

Hầu hết nạn nhân của thể loại trò chơi này đều có vẻ là những đối tượng dễ tổn thương hay dễ bị thuyết phục nhất. Người chủ trì sẽ khảo sát và nghiên cứu về nạn nhân của họ thông qua những cập nhật trạng thái, những bài đăng tải hằng ngày hay thậm chí là những thông tin cá nhân trong hồ sơ của họ. Khi nạn nhân bắt đầu thực hiện thử thách thì những công cụ mà họ sử dụng như thiết bị điện tử hay trình duyệt được cho là sẽ bị nhiễm malware hay virus do người chủ trì cài đặt. Khi tin rằng các công cụ mà họ sử dụng đã bị nhiễm malware, các nạn nhân sẽ bị khống chế với hy vọng các thông tin hay hình ảnh của họ sẽ không bị đăng tải công khai. Cuối cùng, người chơi sẽ sớm đi đến quyết định liệu có chơi hay không.

 

Người chơi tự kết liễu sau 50 ngày.Người chơi tự kết liễu sau 50 ngày.

 

Có thể nhận diện các nạn nhân của Thử thách cá voi xanh dựa vào một số dấu hiệu như sau: Tình trạng thiếu ngủ, liên tục kiểm tra điện thoại, mang áo tay dài, mặc quần áo rộng để che dấu những tổn hại trên thân thể do tự mình gây ra, và nhiều dấu hiệu khác nữa.

Vậy chúng ta có thể làm gì?

Như đã được đề cập, đây không phải là một trò chơi vật chất mà bạn có thể mua, mà là trò chơi ở đó nạn nhân được tuyển/mời tham gia thông qua các  mạng xã hội hay thậm chí là qua điện thoại. Cách tốt nhất để tránh bị đưa vào thế giới này là bạn nên thay đổi các thiết lập riêng tư trên các tài khoản online, để chỉ có bạn hoặc gia đình bạn hay bạn thân của bạn có thể thấy được hồ sơ của bạn. Ngoài ra, đừng bao giờ chấp nhận yêu cầu kết bạn hay trả lời điện thoại từ những người mà bạn không biết.

 

Tránh kết bạn trên mạng mà mình không biết rõ về người đó.

Tránh kết bạn trên mạng mà mình không biết rõ về người đó.

 

Nếu bạn thấy người nào đó đăng tải chia sẽ thông qua các mạng xã hội với những hashtags kiểu như #f57, bluewhalechallenge, #curatorfindme, #i_am_whale, thì đây là những dấu hiệu cho thấy một người nào đó đang cần được giúp đỡ.

DS. Trần Thái Sơn

(theo Forbes)

Đau nhức xương khớp

Đau nhức xương khớp là căn bệnh chủ yếu gặp ở người trung niên, cao tuổi, những người lao động nặng, hoạt động quá mức. Cơn đau không đơn thuần chỉ là do sự thay đổi của thời tiết, do ngồi, do làm việc sai tư thế... mà còn có thể là dấu hiệu cảnh báo những căn bệnh về xương khớp nguy hiểm cần được phát hiện sớm để phòng tránh nguy cơ tàn phế.

Thoái hóa khớp

Biểu hiện đau nhức xương khớp có thể do nhiều bệnh gây ra nhưng hiện nay thoái hóa khớp là căn bệnh phổ biến nhất. Bệnh được đặc trưng bởi sự tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn.

Để phân biệt đau nhức xương khớp do thoái hóa khớp với những bệnh xương khớp khác, thường dựa vào đặc điểm của cơn đau, đó là với thoái hóa khớp thì cơn đau thường tăng lên mỗi khi khớp cử động và giảm khi được nghỉ ngơi. Mỗi khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là trời lạnh, cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, còn có biểu hiện cứng khớp mỗi sáng sau khi thức dậy, nhưng sẽ trở lại bình thường sau vài phút vận động. Sụn và xương dưới sụn tổn thương càng nặng thì cảm giác đau nhức hoặc cứng khớp càng gia tăng và dai dẳng hơn, làm hạn chế vận động, biến dạng các khớp, thậm chí có nguy cơ tàn phế.

Hầu hết các khớp đều có thể bị thoái hóa, nhưng phổ biến ở khớp gối, khớp háng, cột sống thắt lưng, cột sống cổ, khớp bàn tay, ngón tay, bàn chân và gót chân.

Viêm khớp dạng thấp

Ngoài thoái hóa khớp, biểu hiện đau nhức xương khớp có thể là dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp. Đây là bệnh khớp mãn tính có liên quan đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, nếu không được điều trị sớm, kịp thời thì bệnh sẽ phá hủy sụn khớp và xương dưới sụn, gây biến dạng khớp, làm mất khả năng lao động, gia tăng nguy cơ tàn phế.

Đau nhức xương khớp Thoái hóa khớp là căn bệnh phổ biến nhất

Với bệnh viêm khớp dạng thấp, cơn đau thường xảy ra ở nhiều khớp nhỏ và mang tính đối xứng nhau như đau ở cả hai đầu gối, hai ngón tay cùng vị trí ở cả hai bàn tay, kèm theo đó là hiện tượng sưng, nóng, đỏ. Ngoài ra, còn có biểu hiện cứng khớp, khó cử động khớp vào mỗi sáng sau khi ngủ dậy và kéo dài hàng giờ đồng thời còn có các biểu hiện toàn thân như mệt mỏi, xanh xao, gầy sút, sốt.

Bệnh gút

Người mắc bệnh gút cũng có biểu hiện đau nhức xương khớp vì đây là bệnh do rối loạn chuyển hóa purin trong cơ thể gây nên khi cơ thể dư thừa quá nhiều chất đạm. Bệnh thường gây đau nhức, kèm sưng, nóng, đỏ ở một hoặc nhiều khớp, thường gặp là khớp ngón chân, cổ chân, gối, và khớp bàn tay, cơn đau thường xuất hiện về đêm, cường độ đau tăng dần đến mức bệnh nhân không thể chịu đựng nổi, có thể kèm theo sốt cao, nhức đầu, mệt mỏi.

Khi gút chuyển sang giai đoạn mãn tính, các khớp có thể bị biến dạng vĩnh viễn, các khối u mọc lên ở quanh khớp, vành tai, dưới da, sưng trên bàn tay, bàn chân.

Loãng xương

Ở người bị loãng xương, có thể có biểu hiện đau nhức xương khớp và được mô tả là đau ở trong xương. Đây là biểu hiện không đặc trưng nên thường bị bỏ qua, làm cho bệnh ngày càng nặng và hậu quả là xương yếu dần, rất dễ bị gãy. Vì vậy, nếu khi có biểu hiện đau nhức tại các đầu xương hay đau mỏi dọc theo các xương dài như: cột sống thắt lưng, đùi, đau như châm chích toàn thân và tăng về đêm thì đó là dấu hiệu báo hiệu tình trạng loãng xương. Mặt khác, loãng xương còn có dấu hiệu giảm dần chiều cao của cơ thể kèm với cảm giác đau vùng thắt lưng hoặc lan sang một hay hai bên mạn sườn, có thể kèm theo co cứng các cơ dọc cột sống, run giật cơ khi thay đổi tư thế.

Lao xương khớp

Lao xương khớp là bệnh do vi trùng lao gây ra, khi các khớp xương càng lớn, chịu dựng sức nặng càng nhiều thì nguy cơ mắc lao càng cao, phổ biến là khớp háng, cột sống và khớp gối.

Các khớp bị vi trùng lao tấn công thường bị đau nhẹ hoặc vừa phải và sưng to nhưng không nóng, không đỏ, làm cho các hoạt động gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn, nếu lao khớp háng thì không co duỗi được chân, lao cột sống thì không cúi, gập, không ngửa được… lâu dần có thể gây teo cơ, liệt.

Lời khuyên của thầy thuốc. Khi có biểu hiện đau nhức xương khớp và diễn ra thường xuyên, người bệnh nên sớm đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám tìm chính xác nguyên nhân để được điều trị kịp thời, không nên chủ quan cho rằng xương khớp đau nhức là do lao động quá sức, do thời tiết thay đổi… do bệnh của người cao tuổi nên không chịu khám bệnh. Nguy hiểm hơn là người bệnh tự mua thuốc điều trị vì chẳng những không hết bệnh mà còn có thể bị bệnh về dạ dày, gan mật do tác dụng phụ của thuốc giảm đau và làm cho bệnh xương khớp ngày càng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gia tăng nguy cơ tàn phế.

BS. HỒ VĂN CƯNG

Những loại cây giúp giảm stress, hết chóng mặt

Theo trang Newsner.com ( Thụy Sĩ) có rất nhiều loại cây, hoa trồng trong nhà rất tốt cho sức khỏe của chúng ta. Tạo không gian xanh, giúp thư giãn tinh thần, chống căng thẳng, stress, tạo giấc ngủ ngon, giảm chóng mặt. Sau đây là một số loại cây và hoa được khuyên sử dụng trong không gian nhà bạn.

1. Cây nha đam

Có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra được lợi ích của cây nha đam trong việc thanh lọc không khí, , đồng thời sản xuất một lượng oxy đáng kể vào ban đêm, giúp giải tỏa căng thẳng, làm dịu cơn chóng mặt, cũng như giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ.

Đặt một chậu nha đam ngay cửa sổ phòng ngủ là một cách cung cấp oxy, loại bỏ không khí độc hại vào ban đêm, khi bạn đang ngủ say đấy.

2. Cây thường xuân

Đây được đánh giá là một loại cây cực kì dễ trồng trong không gian kín, đặc biệt phù hợp trồng ở nơi có nhiều bóng râm trong nhà.

Loại cây này có tác dụng cải thiện chất lượng không khí, hấp thụ các chất độc hại, sản sinh thêm nhiều oxy. Bên cạnh đó, cây thường xuân giúp loại bỏ hơn 94% các loại nấm độc hại lẫn trong không khí. Vì vậy, bạn cần trồng loại cây này để không khí được trong lành, dễ thở hơn, giảm chóng mặt, căng thẳng.

Thường xuân còn là loại cây được khuyên trồng vì hợp với phong thủy, giúp gia chủ may mắn.

3. Cây bạc hà

Bạc hà là một loại cây có hương thơm tươi mát, dễ chịu, cực kì tốt cho sức khỏe. Hương bạc hà có nhiều công dụng diệt khuẩn, chống viêm, tiêu sưng và đặc biệt giúp bạn giảm stress, chóng mặt. Bạc hà cũng là một loại gia vị khá được ưa thích trong nấu ăn.

Đặt một chậu bạc hà nhỏ trên bàn làm việc sẽ giúp tinh thần bạn sản khoái hơn mỗi ngày.

4. Cây hoa nhài

Từ ngàn xưa mùi thơm của hoa nhài được cho là một liệu pháp giúp chữa căng thẳng và mất ngủ vô cùng hiệu quả. Cũng giống như oải hương, hương hoa nhài cũng có tác dụng ức chế sản sinh lượng hormone cortisol, xoa dịu căng thẳng, chóng mặt.

Bạn hãy trồng một chậu hoa nhài nhỏ và đặt ở ban công vừa có tác dụng giảm căng thẳng vừa mang lại hương thơm dễ chịu cho căn nhà của bạn. Bên cạnh đó, hoa nhài còn được dùng để làm trà uống, giúp tăng cường sức khỏe, hết mất ngủ, chữa chóng mặt.

5. Cây lưỡi hổ

Loại cây này có tác dụng tốt với hệ hô hấp, tăng cường hệ miễn dịch nhờ vào đặc tính sản xuất oxy và loại bỏ CO2 trong không khí. Bên cạnh đó, cây lưỡi hổ còn đem lại giấc ngủ ngon, giảm nguy cơ bị chóng mặt và huyết áp cao.

Lưỡi hổ cũng là loại cây phong thủy, mang lại may mắn, tránh sóng gió cho gia chủ.

Bên cạnh việc trồng những loại cây này trong nhà, bạn cần kết hợp với việc ăn uống đầy đủ và tập luyện thêm thể dục thể thao để tình trạng stress, chóng mặt được cải thiện một cách tốt nhất. Những loại cây này chỉ có tác dụng hỗ trợ, giúp không khí trong nhà tươi mát, trong lành hơn, khiến tâm trạng của bạn được cải thiện tích cực chứ không có khả năng chữa lành bệnh.

Với những người bị chứng chóng mặt lâu năm, tần số lặp lại của cơn chóng mặt thường xuyên, cách tốt nhất bạn luôn mang bên mình thuốc giảm chóng mặt có hoạt chất Acetyl-DL-leucin hiện đang được các chuyên gia y tế đánh giá cao về tính hiệu quả và an toàn khi sử dụng. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo, bạn nên căn nhấc chỉ lựa chọn những thương hiệu thuốc có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng từ các hãng dược uy tín để có được kết quả tốt nhất.

Lưu ý, để tăng hiệu quả trong việc phòng tránh chóng mặt, bạn nên sử dụng thuốc kết hợp với việc thay đổi thói quen sinh hoạt ăn uống hợp lý. Nếu tình trạng chóng mặt của bạn vẫn không cải thiện thì hãy nghĩ đến việc gặp bác sĩ để được thăm khám trực tiếp.

5 điều cần nhớ để bảo vệ đôi mắt

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, là “giàu 2 con mắt…”. Thế nhưng, trong sinh hoạt hằng ngày, nhiều khi chúng ta vô tình làm hại đến đôi mắt mà không hề biết. Dưới đây là những cách giúp bạn quan tâm, chăm sóc đôi mắt tốt hơn.

Không nhìn lâu vào màn hình máy tính

Khi nhìn lâu vào màn hình máy tính sẽ làm cho mắt bạn bị khô, mệt mỏi và bị nhức đầu. Nếu bạn thường xuyên làm việc, tiếp xúc với máy tính thì bạn nên theo nguyên tắc 20-20-20. Nghĩa là cứ 20 phút bạn nghỉ mắt 20 giây, hướng mắt nhìn tập trung vào một vật gì cách xa mắt bạn khoảng 20 feet (tương đương 60cm).

Không nên xem phim, chơi game 3D

Mặc dù chưa có một nghiên cứu dài hạn nào xác định xem phim, chơi game 3D gây tổn hại gì đến mắt, nhưng nhiều người thấy nhức đầu, chóng mặt... khi tiếp xúc nhiều với các loại hình này. Đây có thể là những dấu hiệu tiên khởi cảnh báo nhận thức giảm, thị lực kém. Trước khi có một thông báo chính thức từ các nhà khoa học, bạn hãy bảo vệ đôi mắt của mình bằng cách không nên xem phim hoặc chơi game 3D thường xuyên.

Đeo kính mát khi đi nắng là một cách bảo vệ mắt.

Nên đeo kính bảo vệ mắt khi ra nắng

Kính râm không chỉ là đeo để làm thời trang mà còn dùng để bảo vệ mắt. Tương tự như làn da của bạn, đôi mắt cũng cần được bảo vệ dưới ánh nắng mặt trời. Phơi nhiễm với tia UV nhiều quá, lâu ngày có thể bị lên mộng mắt, ung thư da mi, đục nhân mắt, thoái hóa điểm vàng, tổn hại đến giác mạc. Chọn loại kính râm có độ phủ lớn, có thể chạm đến thái dương của bạn, kế đó là chọn loại tròng kính có thể cản được cả tia UVA & UVB.

Khám mắt ngay khi thấy dấu hiệu bất thường

Quầng sáng xung quanh mắt hoặc ánh sáng chói: Khi bạn nhận thấy có những quầng sáng xung quanh mắt hoặc nhìn ánh sáng bị chói thì có thể là do sự biến đổi sinh lý bình thường, hoặc do đeo kính, sử dụng kính áp tròng cũng bị hiện tượng trên, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn bị đục thủy tinh thể. Hãy đến bác sĩ nhãn khoa nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào như trên. Bác sĩ sẽ khám mắt để kiểm tra các vấn đề bạn mắc phải. Nếu vấn đề tầm nhìn gây trở ngại cho các hoạt động thường ngày do kính, có thể bác sĩ sẽ đề nghị bạn đeo kính mới hơn, sáng hơn, dùng kính mát chống ánh sáng chói hoặc kính khuếch đại để cải thiện tầm nhìn. Nếu bạn bị đục thủy tinh thể, tùy theo mức độ thì bác sĩ có thể tư vấn dùng thuốc hoặc đề nghị phẫu thuật.

Nếu đột ngột bạn thấy có các biểu hiện sau: các đốm di động đột ngột tăng lên trong tầm nhìn; ánh sáng lóe lên đột ngột ở một hoặc cả hai mắt; bóng hoặc màn phủ qua tầm nhìn; mắt bị nhòe hoặc giảm sức nhìn… Hãy đến gặp bác sĩ ngay bởi có thể bạn bị bong, rách võng mạc. Đây là tình trạng khẩn cấp, nếu không kịp thời đặt lại võng mạc có thể dẫn đến mất tầm nhìn vĩnh viễn, chữa trị nhanh chóng, kịp thời có thể cứu vãn tầm nhìn.

Điểm mù (blink spot): Cơ thể con người luôn có những giới hạn nhất định, đỉnh điểm giới hạn của thị giác chính là điểm mù. Khác với các điểm mù bẩm sinh, điểm mù ngay giữa tầm nhìn của bạn là một điều bất thường, đó là một bệnh lý - bệnh thoái hóa điểm vàng. Các triệu chứng của thoái hóa điểm vàng: điểm đen mờ ngay giữa mắt, khó nhìn rõ, mắt có cảm giác khó chịu khi đi từ vùng sáng đến vùng tối hơn. Thoái hóa điểm vàng không phải lúc nào cũng gây mù, nhưng sẽ gây khó khăn cho bạn trong sinh hoạt hàng ngày như lái xe, đọc sách. Khi được phát hiện sớm, các bác sĩ nhãn khoa sẽ có phương pháp điều trị thích hợp để làm chậm tiến trình này lại. Bạn có thể được bổ sung vitamine E, C, beta caroten, kẽm, sử dụng nước mắt nhân tạo... để cải thiện tình trạng trên.

Chắp mắt: Nếu bạn thấy có một nốt đỏ, mềm, đau, khó chịu... ở cuối mi mắt, có thể bạn bị chắp mắt. Đây là một bệnh do tuyến của sụn mi bị bít tắc. Cách xử trí cũng khá đơn giản: dùng một khăn mỏng, nhúng nước ấm lau sạch, làm như thế từ 3 - 5 lần mỗi ngày thì chắp sẽ hết. Lưu ý không được bóp nặn vì sẽ gây tổn thương nặng hơn hoặc nhiễm trùng, để lại sẹo xấu… Bị chắp mắt không phải lúc nào cũng nguy hiểm, chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân, thường thì bệnh tự khỏi. Nếu chăm sóc mắt tại nhà như trên mà bệnh vẫn không lui sau 1 tuần thì bạn nên đến bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn và điều trị.

Khám mắt định kỳ

Có nhiều người không quan tâm đến đôi mắt của mình cho đến khi thị lực bị giảm sút trầm trọng. Một số bệnh như: tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng... làm cho bạn không đọc được những dòng chữ nhỏ và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa - thường xảy ra ở tuổi trung niên. Đó là lý do vì sao bác sĩ nhãn khoa khuyến cáo, nên đi khám mắt định kỳ từ 1 - 2 năm/lần. Điều này giúp kiểm tra thị lực các bạn, phát hiện bệnh và điều trị càng sớm càng tốt.

Đôi mắt chúng ta giống như một chiếc máy quay phim, chúng tự điều chỉnh theo ánh sáng và khoảng cách không gian để thích nghi. Tuy nhiên, trên thực tế là bước vào giai đoạn 40 tuổi hoặc có thể sớm hơn... chúng ta sẽ bắt đầu thấy khó khăn khi nhìn một vật gì đó đặt gần mắt, hãy đi thăm khám, có thể chúng ta bị viễn thị.

Ở độ tuổi 40 trở lên nên đi khám mắt định kỳ, ít nhất 2 năm/lần. Nên ăn nhiều rau cải xanh, trái cây, các loại thực phẩm giàu chất oxy hóa. Đeo kính mát, đội nón rộng vành khi ra ngoài để hạn chế tia tử ngoại mặt trời. Bỏ hút thuốc, hạn chế uống rượu. Kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường...

DS. Bùi Ngọc Lan Hương (Theo WebMD, 7/2016)

Những nguyên nhân gây đau cột sống cổ và cách khắc phục

Thói quen làm việc

Đau cột sống cổ là tình trạng rất thường gặp ở Hoa Kỳ và là lý do chính khiến nhiều người phải nghỉ làm vài ngày liên tục trong một năm. Nguyên nhân là do tư thế ngồi không đúng gây quá tải lưng, ảnh hưởng đến cả phần lưng và vai. TS. Goldstein nói, nếu các cơ ở lưng trên yếu, bạn sẽ không thể hỗ trợ vai, đầu và cổ nữa và đó là lý do tại sao rất nhiều người phải nghỉ làm.

Thói quen làm việc

Cách khắc phục: Nếu bạn phải làm việc nhiều giờ với máy tính, hãy đảm bảo màn hình máy tính ngang tầm mắt để bạn không phải cúi xuống về phía trước để xem. Nếu công việc đòi hỏi phải nâng vật nặng, cố gắng tránh chỉ cúi xuống và uốn cong phần lưng vì điều đó sẽ buộc bạn phải chịu phần lớn trọng lượng. Thay vào đó, hãy cúi đầu gối và sử dụng chân để nâng đỡ.

Trong tập luyện

Với những người tập luyện thể thao trong các phòng tập gym, nếu chỉ chú trọng vào những động tác giúp cơ bụng săn chắc hay có nhiều cơ bắp mà quên đi các cơ hỗ trợ tư thế phần cổ, lưng và chi là một sai lầm đáng tiếc. Tiến sĩ Tanaka nói, khi những cơ này không được chú ý đúng mức hay ngang bằng với các phần cơ khác trên cơ thể có thể dẫn đến mất cân bằng, gây ra đau đớn, đặc biệt là cột sống cổ cho người tập.

Cách khắc phục: Hãy thử các bài tập Pilates để phòng ngừa đau lưng. Đây là một phương pháp kết hợp 1 chuỗi các bài tập thể dục có kiểm soát để tăng sức mạnh cho cơ bắp và cải thiện sức khỏe, giảm nguy cơ đau cột sống cổ.

Túi xách đeo một bên

Ít ai ngờ rằng túi xách có thể gây đau cột sống cổ nhưng khoa học đã chứng minh điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Nguyên nhân là do túi được thiết kế để đeo trên một vai. Điều đó không tốt cho cơ thể. Tiến sĩ Goldstein giải thích hành động này gây áp lực lên lưng, vai và cổ của bạn và có thể làm cong vẹo cột sống nếu bạn đeo nặng thường xuyên ở một bên.

Cách khắc phục: Vào những ngày bạn phải mang theo rất nhiều đồ, TS. Goldstein khuyên bạn nên thay thế túi đeo vai bằng ba lô để trọng lượng được phân bố đều trên cả hai vai. Nếu bạn mang theo túi xách hoặc túi khác không thể đeo trên cả hai vai, tốt nhất là giữ trọng lượng dưới 20 phần trăm trọng lượng cơ thể của bạn.

Mức độ căng thẳng

Zachary Rethorn, chuyên gia trị liệu vật lý trị liệu tại Đại học Tennessee, Mỹ cho biết, căng thẳng được coi là một phần của phản ứng "chiến đấu hay bỏ mặc" vốn có mà tất cả mọi người đều có. Nếu bạn bị căng thẳng, cơ thể bạn sẽ cảm nhận được những cảm xúc đó như là một phản ứng với một số mối đe dọa, và điều đó có thể gây đau đớn như một cơ chế bảo vệ, trong đó có đau cột sống cổ.

Cách khắc phục: Hãy im lặng nếu bạn quá căng thẳng và thực hiện các bước để mang lại sự thư giãn cho cuộc sống của bạn như ăn trứng vào bữa sáng, thở sâu, đi bộ nhanh ngoài trời…

Cảnh giác các nguyên nhân gây đau cột sống cổ

Ngoài ra, khi bị đau cột sống cổ còn do một số nguyên nhân bệnh lý không khắc phục được bằng thói quen hàng ngày như viêm xương khớp và thoát vị đĩa đệm, gãy xương, bệnh túi mật… thì bạn phải đến chuyên khoa cơ xương khớp hay tiêu hóa để được điều trị theo nguyên nhân.

Lê Thu Lương

(Theo prevention.com)